Hướng dẫn lập báo cáo tài chính năm CHUẨN pháp luật mới nhất

Hướng dẫn lập báo cáo tài chính năm CHUẨN pháp luật mới nhất

Khái niệm Báo cáo tài chính

Theo luật Kế toán sửa đổi năm 2015, Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Báo cáo tài chính được xem như bản báo cáo tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính kinh doanh. Việc đọc và hiểu báo cáo tài chính sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra được những quyết định đúng đắn, sáng suốt đặc biệt là trong tình hình kinh tế không ngừng biến động như hiện nay. Luật ketoandhc sẽ hướng dẫn lập Báo cáo tài chính chuẩn nhất trong bài viết này.

Hệ thống báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

  • Bảng cân đối kế toán
  • Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
  • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
  • Bản thuyết minh báo cáo tài chính

 

Thời hạn nộp báo cáo tài chính

  • Đối với báo cáo tài chính năm, công ty sẽ nộp mỗi năm một lần, thường là vào cuối năm tài chính của doanh nghiệp nhằm cung cấp cái nhìn tổng quát về tình hình tài chính của doanh nghiệp đồng thời giúp nhà đầu tư và các bên liên quan đánh giá được kết quả kinh doanh, đưa ra những chiến lược phù hợp với tình hình hoạt động của công ty. 
  • Đối với báo cáo tài chính giữa niên độ, báo cáo này sẽ được lập theo tháng, quý hoặc bán niên nhằm cập nhật kịp thời tình hình tài chính của công ty, cho phép nhà đầu tư và người sử dụng nắm bắt được khả năng tạo ra doanh thu, các luồng tiền và khả năng thanh toán của doanh nghiệp.
  • Ngoài ra công ty có thể có báo cáo tài chính theo tuần, 6 tháng, 9 tháng tuỳ vào yêu cầu của công ty mẹ, chủ sở hữu.

 

BCTC quý BCTC năm
Doanh nghiệp Nhà nước – Đơn vị kế toán phải nộp BCTC quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý. Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày.

– Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp BCTC quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

– Đơn vị kế toán phải nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày.

– Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp BCTC năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.

Các loại doanh nghiệp khác Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp BCTC năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm. Đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp BCTC năm chậm nhất là 90 ngày. Đơn vị kế toán trực thuộc nộp BCTC năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.

 

Các quy định khi lập báo cáo tài chính năm

Căn cứ theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, chế độ kế toán cho các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ được áp dụng theo Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC; còn chế độ kế toán cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được áp dụng theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.

  • Nguyên tắc 1: Khi công ty mẹ lập Báo cáo tài chính hợp nhất thì phải hợp nhất Báo cáo tài chính riêng của mình và tất cả các công ty con ở trong nước và nước ngoài do công ty mẹ kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp, trừ các trường hợp:
    • Công ty mẹ chỉ có quyền kiểm soát tạm thời
    • Hoạt động của công ty con bị hạn chế trong thời gian trên 12 tháng và điều này ảnh hưởng đáng kể tới khả năng chuyển vốn cho công ty mẹ.
  • Nguyên tắc 2: Công ty mẹ không có quyền được loại trừ khỏi Báo cáo tài chính hợp nhất đối với:
    • Công ty con có hoạt động kinh doanh khác biệt với hoạt động kinh doanh của công ty mẹ và các công ty con khác trong tập đoàn.
    • Công ty con là Quỹ tín thác, Quỹ tương hỗ, Quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc các doanh nghiệp tương tự.
  • Nguyên tắc 3: Tuân thủ theo quy định Chuẩn mực kế toán Việt Nam “Trình bày báo cáo tài chính” và các quy định Chuẩn mực kế toán khác có liên quan.
  • Nguyên tắc 4: Báo cáo tài chính hợp nhất được lập trên cơ sở áp dụng chính sách kế toán thống nhất cho các giao dịch và sự kiện cùng loại trong các hoàn cảnh tương tự trong toàn Tập đoàn.
  • Nguyên tắc 5: Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ và Báo cáo tài chính của công ty con sử dụng để hợp nhất phải được lập cho cùng 01 kỳ kế toán.
  • Nguyên tắc 6: Kết quả các hoạt động kinh doanh của công ty con phải được đưa vào Báo cáo tài chính hợp nhất kể từ ngày công ty mẹ nắm quyền kiểm soát công ty con và chấm dứt vào ngày công ty mẹ thực sự chấm dứt quyền kiểm soát công ty con.
  • Nguyên tắc 7: Phần sở hữu của công ty mẹ và cổ đông không kiểm soát trong tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua phải được trình bày theo giá trị hợp lý.
  • Nguyên tắc 8: Nếu có sự chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị ghi sổ của tài sản thuần thuộc công ty con tại ngày mua, công ty mẹ có trách nhiệm ghi nhận thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ giao dịch hợp nhất kinh doanh.
  • Nguyên tắc 9: Lợi thế thương mại hoặc lợi nhuận (lãi) từ giao dịch mua rẻ được xác định là sự chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).
  • Nguyên tắc 10: Trong trường hợp sau khi công ty mẹ đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không được ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lợi nhuận (lãi) từ giao dịch mua giá rẻ). Trong trường hợp này, công ty mẹ không thực hiện việc ghi nhận tài sản thuần của công ty con theo giá trị hợp lý như tại thời điểm kiểm soát công ty con.
  • Nguyên tắc 11: Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn.
  • Nguyên tắc 12: Số chênh lệch giữa số thu từ việc thoái vốn tại công ty con và giá trị phần tài sản thuần của công ty con bị thoái vốn cộng với giá trị phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh.
  • Nguyên tắc 13: Sau khi thực hiện tất cả các bút toán điều chỉnh, phần chênh lệch phát sinh do việc điều chỉnh các chỉ tiêu thuộc Báo cáo kết quả kinh doanh phải được kết chuyển vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
  • Nguyên tắc 14: Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất chỉ được trình bày luồng tiền giữa tập đoàn với các đơn vị bên ngoài tập đoàn, bao gồm cả luồng tiền phát sinh từ các giao dịch với các công ty liên doanh, liên kết và cổ đông không kiểm soát của tập đoàn và được trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất theo 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Tất cả các luồng tiền phát sinh từ những giao dịch giữa công ty mẹ và công ty con trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn trên bản Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất.
  • Nguyên tắc 15: Nếu công ty con sử dụng đồng tiền khác công ty mẹ thì trong Báo cáo tài chính hợp nhất công ty mẹ phải đổi toàn bộ Báo cáo tài chính của công ty con sang đồng tiền của công ty mẹ.
  • Nguyên tắc 16: Bản thuyết minh báo cáo tài chính hợp nhất được lập để giải thích thêm cho các thông tin về tình hình tài chính và phi tài chính, được căn cứ vào:
    • Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất
    • Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất
    • Các tài liệu có liên quan trong quá trình hợp nhất Báo cáo tài chính

Hướng dẫn cách lập Báo cáo tài chính năm

  • Bước 1: Thu thập chứng từ kế toán
    • Chứng từ kế toán là tài liệu phản ánh các hoạt động kế toán, bao gồm hóa đơn đầu ra, đầu vào, sổ phụ ngân hàng, sổ quỹ tiền mặt, bảng chấm công, bảng lương, biên lai nhập kho, phiếu xuất kho, chứng từ tài chính, các sản phẩm,… 
    • Các bộ phận liên quan như: kế toán, tài chính, quản lý, kiểm toán cần phối hợp kiểm soát chặt chẽ để đảm mọi thông tin chính xác và được xử lý một cách hiệu quả.
  • Bước 2: Phân loại các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
    • Sau khi thu thập các chứng từ kế toán, cần sắp xếp, phân chia thành các danh mục như: doanh thu, chi phí, tài sản và nợ phải trả. Việc này sẽ giúp kế toán viên dễ dàng tìm kiếm, kiểm tra, so sánh phục vụ cho mục đích ghi chép, hạch toán và lập Báo cáo tài chính.
    • Chứng từ kế toán có thể sắp xếp như: chứng từ mua hàng, chứng từ bán hàng, chứng từ tiền mặt, chứng từ ngân hàng,….
  • Bước 3: Hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh
    • Doanh nghiệp cần thực hiện hạch toán các giao dịch có liên quan đến tài chính của doanh nghiệp.
    • Hạch toán bao gồm việc xác định các tài khoản phù hợp và thực hiện các bút toán tương ứng để ghi nhận các khoản thu nhập và chi phí.
  • Bước 4: Bút toán tổng hợp và kết chuyển
    • Doanh nghiệp thực hiện bút toán tổng hợp để điều chỉnh số liệu phù hợp với các nguyên tắc và quy định kế toán.
    • Kết chuyển doanh thu từ Báo cáo tài chính tạm thời sang Báo cáo tài chính cuối kỳ để thể hiện doanh thu thực tế.
  • Bước 5: Lập Báo cáo tài chính
Cách soạn thảo
Bảng cân đối kế toán – Liệt kê tổng tài sản: liệt kê từ tài sản ngắn hạn đến tài sản dài hạn.

– Liệt kê các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: liệt kê từ nợ phải trả ngắn hạn đến nợ phải trả dài hạn. Vốn chủ sở hữu có thể lấy từ Báo cáo kết quả kinh doanh.

– Cân đối sổ sách: tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp phải bằng tổng giá trị nợ phải trả cộng vốn chủ sở hữu của tổ chức. 

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh – Xác định doanh thu: là tất cả các khoản từ việc bán sản phẩm dịch vụ, các khoản đầu tư của công ty.

– Xác định giá bán hàng vốn: là tổng chi phí liên quan đến hàng hóa hoặc dịch vụ đã bán, bao gồm nhân công, vật liệu và chi phí sản xuất kinh doanh.

– Tính lợi nhuận gộp: bằng tổng doanh thu trừ đi giá vốn hàng xuất bán.

– Liệt kê các khoản chi phí: chi phí hoạt động chung bao gồm tiền lương nhân viên, tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp, vật tư văn phòng, chi phí vận chuyển và tiếp thị. Khấu hao tài sản cố định, chẳng hạn như thiết bị, cũng được tính vào chi phí trong kỳ. 

– Tính lợi nhuận ròng: lợi nhuận gộp trừ đi tổng chi phí.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ – Xác định số dư tiền mặt đầu kỳ: thông thường được lấy từ Báo cáo tài chính năm trước.

– Liệt kê lợi nhuận ròng từ báo cáo kết quả kinh doanh

– Nhóm dòng tiền thành 3 loại: hoạt động vận hành, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính.

– Điều chỉnh lợi nhuận ròng để xác định dòng tiền thuần do hoạt động kinh doanh mang lại.

– Lặp lại quy trình tương tự cho các hoạt động đầu tư và tài chính.

– Tính số dư tiền mặt cuối kỳ: lấy số dư tiền mặt đầu kỳ công với dòng tiền thuần của từng loại chi phí.

Hướng dẫn nộp Báo cáo tài chính online

Để nộp Báo cáo tài chính online, doanh nghiệp phải xuất file dạng XML

Bước 1: Đăng nhập vào địa chỉ http://thuedientu.gdt.gov.vn/, chọn mục Doanh nghiệp. Đăng nhập vào bằng tài khoản đã được cấp.

Bước 2: Chọn tab Khai thuế/Nộp tờ khai XML, nhấn Chọn tệp tờ khai.

Bước 3: Chọn file doanh nghiệp đã chuẩn bị trước.

Bước 4: Nhấn Ký điện tử

Bước 5: Nhập mã PIN Chữ ký số, nhấn Login.

Bước 6: Chương trình hiển thị thông báo Ký tệp tờ khai thành công. Nhấn Nộp tờ khai để nộp bộ BCTC cho cơ quan thuế.

Bước 7: Thuyết minh BCTC và Bảng cân đối tài khoản sẽ nộp theo dạng phụ lục đính kèm

Mặc dù đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự chính xác cao, nhưng việc lập Báo cáo tài chính vẫn là một hoạt động quan trọng đối với việc đưa ra chiến lược của mỗi doanh nghiệp. Nếu có bất cứ khó khăn nào cần giải đáp, độc giả hãy liên hệ luatketoandhc để nhận được sự hỗ trợ của đội ngũ chúng tôi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *